Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

PHÁ CHUYÊN ÁN LỚN TỪ XÀ CẦY KÌM THỦY LỰC

Sau nhiều tháng lần theo manh mối của ổ nhóm chuyên dùng xà cầy, kìm thủy lực cắt khóa, trộm cắp tài sản ở các công sở, cảnh sát đã truy ra nhóm trộm người nước ngoài. Nhập cảnh vào Việt Nam, nhóm trộm cắp gồm 5 người nước ngoài chuyên dùng xà cầy, kìm thủy lực cắt khóa và két sắt của các công sở vào ban đêm, trộm hàng trăm triệu đồng khiến dư luận hoang mang. Phải mất rất nhiều tháng điều tra, cảnh sát mới bắt giữ được nhóm trộm tinh vi này.
Một cán bộ điều tra của phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội (PC45) nhớ lại thời gian thực hiện chuyên án mang bí số 190P. "Nhóm trộm này tỏ ra rất chuyên nghiệp, các phi vụ trộm cướp không để lại bất cứ một sơ suất lớn nào. Điều này khiến dư luận hoang mang, nhiều cơ quan, đơn vị đã phải tăng cường biện pháp bảo vệ tài sản, thuê thêm người trông giữ", vị cán bộ điều tra cho biết.
Anh này cho biết, khoảng cuối năm 2010 liên tục xảy ra các vụ phá cửa bằng kìm thủy lực,  đục két sắt bằng xà cầy để lấy trộm tiền trong các cơ quan nhà nước. Lúc đó, Phòng PC45 Công an Hà Nội nhận được tin báo của công an huyện Hoài Đức khoảng 0h30 ngày 6/9/2010 xuất hiện một nhóm người khoảng 5 tên đến ĐH Thành Đô (thuộc ở xã Kim Chung) khống chế, dùng băng dính dán vào miệng ông bảo vệ 52 tuổi của trường. Sau đó, nhóm trộm dùng xà cầy phá cửa nhôm kính và dùng kìm thủy lực cắt khóa cửa chính để vào phòng kế toán, đục 3 két sắt lấy đi hơn 34 triệu đồng.

5 người đàn ông mang quốc tịch Trung Quốc gồm Pei Gong Ming (47 tuổi); He Man Xian (43 tuổi), Nei An Xing (34 tuổi), Yang Li Yu (37 tuổi), Zhou Kuang Hong (41 tuổi) và Lù Thị Mai (24 tuổi, ở tỉnh Hà Giang) đã bị bắt giữ.
Sau khi cùng lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai các nhân chứng, Phòng PC45 xác định đây là vụ án rất nghiêm trọng và xây dựng chuyên án 190P để tổ chức truy xét. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an Hà Nội (khi đó là Trưởng phòng PC45) trực tiếp chỉ đạo phá án.
Điều khó khăn nhất của cảnh sát khi phá án là sự việc xảy ra vào giữa đêm khuya, nhân chứng rất hạn chế. Hơn nữa, chính người bảo vệ của trường Thành Đô mặc dù trực tiếp tiếp cận với nhóm trộm cướp cũng hoàn toàn không thể nhận ra chân dung của chúng vì bị khống chế quá bất ngờ, cộng thêm trời tối và tất cả đều bịt mặt, mặc quần áo màu đen.
Từ kết quả khám nghiệm hiện trường cho thấy loại dụng cụ chúng dùng để cậy phá két sắt là kìm thuỷ lực của Trung Quốc, không được dùng phổ biến ở Việt Nam, cộng với việc trước đó từng xuất hiện một số vụ trộm cướp tài sản lớn tại các cơ quan đơn vị của Hà Nội với cùng thủ đoạn trên, các trinh sát nhận định, có thể thủ phạm cùng một nhóm. Qua rà soát và tập hợp chứng cứ, cùng với việc sự xuất hiện của một nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam vào đúng thời điểm đó, cảnh sát đã đưa nhóm người này vào "tầm ngắm".
“Nhiều đêm, các trinh sát phải bám theo chân bọn chúng. Đang lao xe vun vút, chúng dừng lại giả vờ nhìn ngắm xung quanh, khi đó cánh trinh sát cũng đành phải phóng vượt qua, vờ như người đi đường, đành chấp nhận mất dấu", một trinh sát kể lại. Nhưng với quyết tâm phá bằng được chuyên án này, nhiều tháng trời, cuối cùng hành vi của nhóm trộm cắp cũng bị lật tẩy.
Ban đầu, với sự ma mãnh của mình, chúng quanh co chối tội, tuy nhiên trước những bằng chứng xác đáng cơ quan công an đưa ra và bằng các biện pháp nghiệp vụ, chúng phải thừa nhận đã gây ra vụ cướp ở Đại học Thành đô và nhiều vụ trộm cắp khác ở Hà Nội.
Chúng khai ngày 11/1/2010 đã đột nhập vào Viện bảo vệ Thực vật (Từ Liêm, Hà Nội) lấy được khoảng 920 triệu đồng. Giữa tháng 3 năm đó, chúng gây ra vụ trộm ở Trung tâm y tế Hàng Không, lấy được 300 triệu đồng và rất nhiều vụ án khác.
Cán bộ điều tra cho biết, nhóm trộm trên thường nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, thuê nhà nghỉ ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Trong các phi vụ, Lù Thị Mai thường đóng vai trò là “phiên dịch”. Cô ta chỉ dẫn cho đồng bọn biết đâu là trường học, công ty... để lên phương án tác chiến. Toàn bộ số tiền lấy được, bọn chúng giữ lại một phần để chi tiêu, còn lại đổi ra nhân dân tệ, gửi về cho gia đình bên Trung Quốc.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, mỗi khi gây án, chúng lại tách ra thuê nhà riêng để nghe ngóng, chờ thời cơ thực hiện tiếp các phi vụ. Năm 2011, 5 người Quốc và Lù Thị Mai đã phải nhận bản án thích đáng của TAND Hà Nội, người cao nhất là 26 năm tù, còn lại từ 4 đến 22 năm tù.
Theo Ngoisao

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Toggle Footer