HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Tại Hội nghị Phát triển thương mại biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và hải đảo vừa diễn ra sáng nay (5/1), ông Hoàng Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ thương mại Biên giới và Miền núi cho biết, hiện hoạt động thương mại biên giới là “đòn bẩy” thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng trên những địa bàn biên giới trọng yếu của đất nước. Cùng với đó, phát triển thương mại biên giới là một chiến lược phát triển kinh tế, xã hội kết hợp với bảo vệ an ninh, quốc phòng hết sức quan trọng.
Hàng hóa nhập khẩu gồm hai nhóm chính là nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư đầu vào cần thiết cho sản xuất; máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, hàng điện tử, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Mặc dù hoạt động thương mại biên giới thời gian qua đã đạt được những kết quả khá tốt, nhưng công tác quản lý vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế phát triển thương mại biên giới của Việt Nam với các nước có chung biên giới.
Chia sẻ về những hạn chế tại tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ông Hoàng Minh Tuấn cho biết, hiện tại một số cửa khẩu, lối mở biên giới, hàng hóa hợp phát xuất xứ Việt Nam được mở tờ khai, làm thủ tục đầy đủ bên phía Việt Nam (hình thức chợ biên giới theo quy định của Trung Quốc), nhưng phía Trung Quốc yêu cầu chuyển tải sang xe biên mậu để đưa sang Trung Quốc theo hình thức chợ biên giới, nhằm tận dụng chính sách ưu đãi 8.000 nhân dân tệ/người/ngày của Trung Quốc. Cách làm này gây chậm trễ, bất tiện cho thông quan hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam.
Cũng theo ông Tuấn, chợ biên giới phần lớn thực chất là chợ dân sinh trong nội địa, được xây dựng từ lâu, chưa được quan tâm đầu tư nâng cấp, chưa quy hoạch hệ thống các cặp chợ biên giới dành cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Do vậy, hoạt động của cư dân biên giới hai nước vẫn chưa thực sự sôi động, phong phú và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế về thương mại biên giới của tỉnh, phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển giao lưu thương mại qua cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc.
Vụ trưởng Vụ thương mại Biên giới và Miền núi cho biết thêm, hiện nay, hệ thống kho bãi tại cửa khẩu chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hệ thống kho lạnh chưa được đầu tư. Thiết bị nâng hạ, xếp dỡ, sang tải hàng hóa còn thiếu, đặc biệt là xếp dỡ hàng rời chủ yếu bằng thủ công là chính, làm giảm năng lực, cơ hội thông quan và ảnh hưởng lớn tới hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Hạ tầng thương mại phục vụ mua bán, trao đổi hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, lối mở chưa được cải thiện.
“Một số mặt hàng nông sản, trái cây tươi của Việt Nam có tính mùa vụ (dưa hấu tươi, thanh long… ) khu mua bán, trao đổi với Trung Quốc là theo hình thức đi chợ, tức doanh nghiệp bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, ồ ạt chở lên biên giới khi vào vụ, khiến khả năng thông quan của cửa khẩu nhất thời không đáp ứng được, bị doanh nghiệp bên Trung Quốc lợi dụng ép giá, gây nên tình trạng ùn tắc tại khu vực cửa khẩu, làm thiệt hại về kinh tế, khiến dư luận bức xúc, gây áp lực cho các cơ quan quản lý”, Vụ trưởng Vụ thương mại Biên giới và Miền núi chia sẻ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét